“GIẢI MÔ PHONG THỦY CỦA TỬ CẤM THÀNH
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định vị trí của Tử Cấm Thành là phong thủy, một triết lý truyền thống của người Trung Quốc trong việc tìm kiếm địa điểm hài hòa với nhiên. Tử Cấm Thành nằm ở trung tâm Bắc Kinh thời xưa, với hình thế núi (núi Vạn Niên) phía sau và sông (sông Kim Thủy) chảy phía trước. Tử Cấm Thành có một trục chính chạy từ bắc xuống nam, chia toàn bộ cung điện thành hai phần: phần phía Đông tượng trưng cho dương, phần phía Tây tượng trưng cho âm. Mọi sảnh dọc trục chính này đều nhìn về phía nam, bên trái là dương – nơi mặt trời mọc, bên phải là âm – nơi mặt trời lặn.
Một yếu tố quan trọng khác trong phong thủy của Tử Cấm Thành là tính chất đối xứng. Những cung điện quan trọng nhất đều nằm trên trục Bắc – Nam ở trung tâm và các cung khác được sắp đặt đối xứng hai bên. Kiến trúc của Tử Cấm Thành chứa đựng bản đồ sao, cũng như các yếu tố âm dương, ngũ hành. Những yếu tố này được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ, từ vị trí hậu điện, tên cổng, hướng cổng, tới các con kênh dẫn nước… Điều đó giúp Tử Cấm Thành được xem là một trong những công trình có phong thủy ấn tượng nhất mọi thời đại.
Mau sắc cũng đóng vai trò quan trọng trong thiết kế của Tử Cấm Thành. Hai màu sắc chủ đạo của công trình này là vàng và đỏ. Màu vàng tượng trưng cho quyền lực cao nhất và được dành riêng cho hoàng đế. Ngay cả những viên ngói trong Tử Cấm Thành cũng được tráng men màu vàng để thể hiện sự uy nghi. Trong khi đó, màu đỏ tượng trưng cho khả năng sinh sản và vận may. Vì vậy, tất cả các tòa nhà và tường thành đều có màu đỏ. Tuy nhiên, màu đỏ cũng tượng trưng cho lửa và đó là lý do tại sao thư viện là mái nhà duy nhất trong Tử Cấm Thành có màu đen – màu tượng trưng cho nước.
Số 9 đại diện cho sự nam tính tối thượng do đó đại diện cho hoàng đế cũng thể hiện dấu ấn trong các thiết kế của Tử Cấm Thành. Để tiếp kiến hoàng đế, một người phải qua 9 cổng. Tử Cấm Thành có tổng cộng 9.999 phòng, chỉ ít hơn một phòng so với 10.000 phòng trong cung điện trên thiên đình theo truyền thuyết. Trên nóc Cung điện Hoàng gia là hình ảnh 9 linh vật thần thoại được cho là để bảo vệ hoàng đế. Các đinh trên cổng cũng được đóng từng hàng 9 cái.
TỬ CẤM THÀNH – CÔNG TRÌNH HƠN 600 TUỔI
Tử Cấm Thành hay còn được gọi là Cố Cung nằm ở trung tâm của Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 1402, sau khi chiếm được Nam Kinh và lên ngôi, hoàng đế Trung Quốc Minh Thành Tổ đã dời đô về Bắc Kinh và ra lệnh xây dựng một thành phố cho “thiên tử” – nơi ở dành cho các hoàng đế từ các triều đại khác nhau. Hàng triệu người lao động đã làm việc trong 14 năm để xây dựng công trình nhằm thể hiện sự quyền lực này. Năm 1421, hoàng đế đã cư trú trong quần thể cung điện và biến Bắc Kinh thành thủ đô mới của Trung Quốc. Tổng cộng 24 hoàng đế của Trung Quốc đã ngự ở Tử Cấm Thành từ giữa đời nhà Minh đến cuối đời nhà Thanh.
Tử Cấm Thành rộng 720.000 m2 với hơn 800 cung điện lớn, nhỏ có chức năng khác nhau, một số cung điện là nơi làm việc của hoàng đế, một số cung điện lại là nơi ở của các phi tần trong hậu cung. Quần thể này gần 10.000 phòng nhưng thiết kế ban đầu không có nhà vệ sinh.
Tử Cấm Thành được đánh giá là một công trình có quy mô hoành tráng. Trong một thời gian dài, Tử Cấm Thành vẫn là một bí ẩn về cách người Trung Quốc quản lý để xây dựng thành phố khổng lồ này. Theo phân tích từ các nhà khảo cổ, Tử Cấm Thành được xây nên từ những phiến đá cẩm thạch nặng tới 200-300 tấn. Những khối đá này được chuyển về Bắc Kinh từ nơi cách đó 70km. Để vận chuyển, mỗi khối đá cần tới 50 người đàn ông khỏe mạnh vận chuyển trong 28 ngày không ngừng. Gần đây, các nhà khoa học cho rằng, những phiến đá này có thể đã được vận chuyển trên những con đường băng bằng cách làm ngập những con đường trong mùa đông dài và lạnh lẽo với một lớp nước mỏng.
Dù đã hơn 600 năm tuổi, trải qua hơn 200 trận động đất, Tử Cấm Thành vẫn không bị ảnh hưởng. Các nhà khảo cổ đã phân tích kiến trúc của Tử Cấm Thành sau đó tiến hành dựng mô hình và thử nghiệm mô phỏng một trận động đất lên tới 10,1 độ richter. Dù cường độ động đất rất lớn, biên độ rung lắc của mô hình lớn khiến cho các viên gạch của Tử Cấm Thành sụp đổ tuy nhiên phần khung vẫn rất bền vững.
Sau nhiều lần thử nghiệm, các chuyên gia đã tìm được câu trả lời cho sự vững chãi này nằm ở các kết cấu “đấu củng”. Đấu củng thường nằm ở vị trí dưới hiên và mái nhà, không sử dụng đinh hay bất kỳ loại keo dính nào. Các thanh gỗ được lắp vào đúng khuôn và ăn khớp với nhau. Đây là thiết kế được Trung Quốc sử dụng từ hơn 500 năm trước công nguyên. Thiết kế của đấu củng giúp giảm tác động của các trận động đất lên tòa nhà, tăng khả năng chịu lực dựa trên kỹ thuật chồng rường. Bên cạnh đó, nó cũng đóng vai trò trang trí cho các cung điện nằm trong Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành cũng gây kinh ngạc bởi thiết kế hệ thống thoát nước giúp công trình này chưa một lần bị lụt lội trong lịch sử hơn 600 năm. Tử Cấm Thành được thiết kế khả năng thoát nước tối ưu đến từng viên gạch lát. Sân của Tử Cấm Thành được lát bằng cách xếp những viên gạch đá xanh, giúp cho mặt sân dễ thấm nước mưa hơn bề mặt sân lát bằng bê tông thông thường. Bên dưới lớp gạch đá xanh là một lớp đất rất dày, có thể hấp thụ được một lượng nước lớn, giống như việc đặt một miếng bọt biển khổng lồ dưới lòng đất.
Ngoài ra, kiến trúc của Tử Cấm Thành cũng tận dụng được lợi thế địa hình tự nhiên sẵn có là Bắc cao, Nam thấp và địa thế núi sau, sông trước nhằm tránh ngập. Hơn nữa, trong tất cả các sân của các điện, các phòng đều có các rãnh thoát nước mưa được chạm khắc bằng đá hình đầu rồng, khi trời mưa, hàng nghìn chiếc đầu rồng này đồng loạt phun nước chảy xuống các con kênh nhỏ rồi và đổ về sông Kim Thủy. Do đó, các con kênh nhỏ được đào xen kẽ trong Tử Cấm Thành luôn được quan tâm.
GÓC KHUẤT LÃNH CUNG
Tử Cấm Thành là nơi mà nhiều triều đại vua chúa Trung Quốc sinh sống. Bí mật hậu cung của nơi này luôn là đề tài thu hút sự tò mò. Trong số những cung điện Tử Cấm Thành cho phép du khách tham quan, có một nơi không ai được phép tới, chính là lãnh cung.
Lãnh cung là nơi mà các hoàng đế trừng phạt những phi tần mắc sai lầm hoặc không còn được sủng ái. Trải qua nhiều triều đại, không chỉ có phi tần hay cung nữ phạm tội mà những thê thiếp của hoàng đế băng hà cũng phải sống trong những nơi này.
Sự vắng vẻ và u ám của lãnh cung khiến tất cả phi tần đều cảm thấy sợ hãi. Một khi bị đày vào lãnh cung, họ bị cô lập, khó có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài một lần nữa. Cả lãnh cung chỉ có một lối ra vào duy nhất để mang đồ ăn, thức uống vào hàng ngày. Lâu dần, người bị nhốt trong lãnh cung có thể trầm cảm, thậm chí phát điên. Một số người ví lãnh cung giống như một nơi bị ma ám, không ai muốn đến.
Vậy lãnh cung thực sự nằm ở đâu? Câu hỏi này đã được chính Phổ Nghi – Hoàng đế cuối cùng của lịch sử Trung Quốc giải đáp trong cuốn hồi ký được viết những năm cuối đời của ông có tiêu đề “Nửa đời trước của tôi”. Hồi ký cho biết, thực tế trong Tử Cấm Thành, không tồn tại khu vực cố định nào là lãnh cung. Nó có thể là bất cứ căn phòng nào ở trong các cung điện, chỉ cần là nơi thê thiếp bị giam giữ thì nơi đó được gọi là lãnh cung.
Ngày nay, Tử Cấm Thành đã mở cửa để đón du khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới, nhưng một số khu vực vẫn được coi là “vùng cấm”, trong đó có lãnh cung. Điều này được cho là bởi hai lý do. Thứ nhất, các lãnh cung đa số đã bị hư hại, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro khi tham quan. Chi phí để tu sửa cao nhưng số tiền thu lại không đáng kể, do đó, những nơi này thường không được sửa chữa. Thứ hai, lãnh cung là nơi ghi dấu những ký ức đau thương, nên nhiều người cho rằng, nó không thực sự đáng để du khách tham quan.
KHU VƯỜN BẢO VẬT TRONG TỬ CẤM THÀNH
Có một nơi mà không một vị khách nào được biết đó là khu vườn bí mật nằm đằng sau những bức tường và những cánh cửa được đóng kín của Tử Cấm Thành từ thời vị hoàng đế cuối cùng thoái vị năm 1924. Đến năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử, Khu vườn Càn Long bên trong Tử Cấm Thành được mở cửa cho du khách sau một thời gian tu sửa.
Vườn Càn Long đặc biệt này được xây dựng từ những năm 1770. Nơi đây được thiết kế như một phiên bản thu nhỏ của Tử Cấm Thành trong chính tổ hợp cung điện xa hoa này. Vườn Càn Long gồm có 27 sảnh đường, thư phòng,… được thiết kế độc đáo.
Đây là nơi an dưỡng dành cho Càn Long, vị hoàng đế của nhà Thanh, Trung Quốc. Vị hoàng đế này đã ban hành một chiếu chỉ rằng mọi thứ sẽ không được thay đổi sau khi ông qua đời, do vậy, phần lớn khu vườn vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Các đồ nội thất bằng tre, tranh lụa, đồ trang trí bằng ngọc bích và đồ thủy tinh từ thế kỷ 18… đều được bảo tồn trong trạng thái nguyên sơ.
Khi Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, rời khỏi Tử Cấm Thành vào năm 1924, Vườn Càn Long chính thức bị bỏ hoang. Mặc dù diện mạo không bị thay đổi những khu vườn này đã bị bỏ mặc trong thời gian khá dài. Do đó, việc trùng tu, khôi phục đã mất một thời gian dài từ năm 2008 đến năm 2020 nhằm đảm bảo độ chính xác trước khi Vườn Càn Long được mở cửa cho công chúng. Công chúng hiện chỉ được tham quan phần bên ngoài của khu vườn, còn các đồ dùng trang trí bên trong chỉ được xem qua cửa kính lớn ngăn cách.
Tìm hiểu thêm về tour Tử Cấm Thành tại đây!
Nhấn vào đây nếu bạn cần tư vấn!